DEAL-BREAKER – HAY NGUYÊN NHÂN ĐỂ ‘QUYẾT TÂM CHIA TAY’

Vài năm trước, tôi có tham dự một cuộc họp mặt với vài người bạn từng làm chung trên tàu. Tàu du lịch, bạn biết đấy, loại to vật vã, đi lênh đênh trên biển 8 tháng, đủ loại quốc tịch trai xinh gái đẹp…

Lâu ngày gặp nhau, chúng tôi lại lôi chuyện những chuyện cũ lúc còn làm ra đùa giỡn. Chợt, bạn tôi hỏi:

“Quân, mày biết vụ con An thằng Toàn chia tay chưa?” (nhân vật đã đổi tên)

Tôi sửng sốt. Cặp này quen nhau đã lâu rồi, làm gì cũng có nhau. Lúc về lại đất liền, lại còn nhất quyết đăng ký cùng nhau lên chung một con tàu. Trước đó, họ còn kể cho chúng tôi nghe dự định làm đám cưới. Vậy mà….

Trở về đất liền đã lâu, khiến tôi dường như quên mất những mối quan hệ trên tàu dễ kết thúc đến thế nào. Người đến người đi không đếm nổi. Xa nhà, áp lực công việc, cô đơn, không ai quản thúc, người ta dễ dàng đến với nhau, rồi cũng dễ dàng xa nhau.  Họ bước vào một mối quan hệ bằng sự nồng nhiệt, niềm vui thích, rồi bước ra khỏi nó bằng sự vô cảm, chán chường, thậm chí là nỗi đau. 

Và giờ, khi cái duyên, cái nghiệp của tàu lại vận lên bạn bè mình, tôi không khỏi tự hỏi: 

“Vậy nguyên nhân gì khiến họ quyết tâm chia tay?”

Trong nỗ lực tìm hiểu về vấn đề này, thay vì những nguyên nhân như ngoại tình, bạo hành…, tôi nghĩ mình đã hiểu được một chút những nguyên nhân tâm lý của sự kết thúc này. Chúng gọi là “Deal breaker”.

“Deal-breaker” theo từ điển Oxford là một điều gì đó khiến một ai đó rút khỏi một thỏa thuận chính trị hoặc kinh doanh. “Deal” nghĩa là thỏa thuận, “breaker” nghĩa là cái gây phá hỏng, làm đổ vỡ. Nói một cách dễ hiểu, “Deal-breaker” là nguyên nhân gây đổ vỡ, mà ở ngữ cảnh bài viết này, là nguyên nhân đổ vỡ của một mối quan hệ tình cảm.

Theo cách lý giải của vợ chồng nhà tâm lý Linda và Charlie Bloom trong bài viết “The truth about Deal-breaker in relationship” đăng trên Psychology Today (2015), Deal-breaker bao gồm những hành vi, trạng thái, hay đặc điểm vượt quá sức chịu đựng của một bên khiến bên còn lại không thể chấp nhận, dẫn đến kết thúc mối quan hệ. 

Có rất nhiều cách để phân chia Deal breaker, nhưng nếu xét trên góc độ tâm lý, các Deal breaker có thể được chia thành các dạng sau:

– Mối quan hệ một chiều 

Theo Arash(2021), khái niệm mối quan hệ một chiều nói về sự cố gắng chỉ đến từ một phía. Một bên cá nhân muốn tiếp tục mối quan hệ, cố gắng chăm sóc, chiều chuộng đối phương, nhưng bên còn lại lại không tỏ thái độ, hoặc không thật sự đóng góp cho mối quan hệ (Emamzadeh, 2021). 

Tình huống trong bộ phim ‘Kramer vs Kramer’ (1979) do Dustin Hoffman và Meryl Streep thủ vai là một ví dụ điển hình về dạng deal breaker này. Ngay từ đầu phim, người vợ Joanna hôn từ biệt con mình, nói với người chồng tên Ted rằng “Em không còn yêu anh nữa” rồi bỏ nhà ra đi. Tất cả xảy ra một cách chớp nhoáng đến mức người chồng Ted cũng không tại sao hiểu nổi. Sau đó, ta vỡ lẽ rằng Ted quá chú tâm công việc, khoán mọi việc nhà, việc chăm con cho vợ. Dần dần, sự hy sinh từ một phía khiến Joanna ra đi, dù Ted vẫn lo chi tiêu hằng tháng (Benson, 1979). 

Rõ ràng xét trên mối quan hệ vợ chồng, việc cá nhân cảm nhận việc mình đang hy sinh trong khi không nhận được hồi đáp sẽ tạo ra cảm giác bất công. Dù văn hóa phương Đông hay phương Tây, tình huống này vẫn luôn tồn tại, đi kèm vấn đề về vai trò giới: đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, khiến hôn nhân dần nguội lạnh và đổ vỡ.

– Thiếu tôn trọng 

Bản chất của sự tôn trọng trong mối quan hệ cặp đôi là “Dù hai cá nhân khác biệt, nhưng hai bên tôn trọng sự khác biệt đó và nó không thay đổi tính chất mối quan hệ” (McDow, 2021) 

Sự thiếu tôn trọng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Thử nghĩ mà xem, nếu người bạn yêu thương coi thường bạn, chế giễu ý kiến ​​hay sở thích của bạn, thì bạn có muốn tiếp tục ở lại với người đó không? Nếu ở bên họ để rồi hết lần này đến lần khác bị tổn thương lòng tự trọng, thấy tủi thân, tội lỗi, mặc cảm…vậy có công bằng với những giá trị bên trong chúng ta? Câu trả lời là không!

– Không có sự tin tưởng 

Mối quan hệ không có sự tin tưởng lẫn nhau, là dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại. 

Theo Kendra (2022), đó là khi bạn cảm thấy như mình phải che giấu mọi thứ với đối tác của mình, hoặc bạn có thể cảm thấy dường như họ đang giấu bạn mọi thứ. Sự thiếu tin tưởng nhau khiến hai bên không sẵn sàng chia sẻ thật lòng với nhau về những vấn đề của nhau. Bản chất của các mối quan hệ tình bạn, tình yêu, hôn nhân đều đòi hỏi sự kết nối. Thiếu tin tưởng nhau, là khởi đầu của sự mất kết nối nghiêm trọng.

Tôi có một người chị quen với một chàng trai người Thái Lan. Chị hay dẫn người yêu chị đi ăn, đi nhậu với bạn bè chị, trong đó có tôi, đều là người Việt. Nhưng khi thấy anh ấy nói chuyện bằng tiếng Thái với đồng nghiệp nữ khác, chị thường xuyên có niềm nghi ngờ rằng anh ấy đang tán tỉnh họ. Vì việc đó, và cũng vì nhiều khác biệt về quan điểm khác nữa mà hai người thường xuyên cãi nhau. Chị thì cứ dò hỏi, muốn anh giải thích. Anh thì do bất đồng ngôn ngữ, giải thích mà chị không chịu nghe. 

Cứ giằng co như thế một thời gian, họ từ tranh cãi trở thành xung đột, xung đột rồi thành “chiến tranh lạnh”. Thế rồi, chẳng mấy chốc mà 2 bên đường ai nấy đi.

– Không có cảm giác an toàn 

Cảm giác thiếu an toàn hay bất an (insecurity) là cảm giác lo lắng không yên, điều đó có thể đến từ nỗi sợ bị phản bội, bị bỏ rơi, bị bạo hành,… hay mối quan hệ không đủ vững chắc để có thể dựa dẫm (Rodgers, 2022).

Theo nhà nghiên cứu Pease và Preston (1967) về tâm lý học gia đình, 3 yếu tố chính của sự an toàn là: Tình yêu thương, sự chấp nhận và sự ổn định. 

Tình yêu thương nên chân thành không nên vì mục đích vụ lợi

Sự chấp nhận là vô điều kiện, gia đình nên chấp nhận nhau như cái vốn có: giới tính, đặc điểm, tính cách, …

Sự ổn định là sự thống nhất trong hành vi ứng xử, thống nhất trong cách thể hiện. 

Ở đây ta có thể thấy rõ, ở một mối quan hệ bạo hành hay xảy ra ngoại tình sẽ tạo cảm giác không an toàn. Nhưng đồng thời, một mối quan hệ mà lúc thế này, lúc thế khác, lúc thì nồng nhiệt, lúc lạnh nhạt, không có tính ổn định cũng gây ra cảm giác bất an cho người trong cuộc.

– Giao tiếp kém 

Trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, giao tiếp là điểm bắt đầu chính yếu. Giao tiếp kém, bản thân nó đã là một deal-breaker cơ bản, bởi vì bạn khó mà hiểu được người kia (McDow, 2021).

Việc giao tiếp không thẳng thắn, tránh né khiến vấn đề thường nhật trở nên khó hiểu, vấn đề không được giải quyết triệt để. Ngược lại, giao tiếp thiên hướng xung đột dẫn đến mối quan hệ bị phá vỡ.

Theo tiến sĩ tâm lý Wendy (2022), một trong những cách ứng phó khi xung đột nguy hại nhất với các mối quan hệ là “chiến tranh lạnh” hay “Silent treatment”. Áp lực từ sự im lặng, lạnh nhạt ban đầu có thể bôi trơn mối quan hệ, buộc bên này phải xuống nước với bên kia. Thế nhưng dần dần, cảm giác nặng nề này sẽ khiến mối quan hệ trở nên vỡ vụn từ bên trong, trong khi vấn đề mà 2 bên đang vướng mắc lại không được giải quyết. 

– Mối quan hệ không lành mạnh 

Một mối quan hệ không lành mạnh – hay quan hệ độc hại không chỉ là ‘đặc sản’ của quan hệ lãng mạn, mà đó thể là mối quan hệ trong gia đình, quan hệ bạn bè và đồng nghiệp (Cherry, 2022).

Nó bao gồm tất cả những deal breaker đã kể trên như: giao tiếp kém, không trung thực….hoặc nó còn có thể là nguồn gốc của nguy hiểm, gây ra stress và sang chấn như gaslighting, phản bội, đe dọa, bạo hành, lạm dụng, bó buộc, cưỡng ép v.v….

Trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu có tình tiết người vợ dù bị chồng bạo hành vẫn không muốn ly hôn. Bà van nài với chánh án Đẩu: “con lạy quý tòa …đừng bắt con bỏ nó” (Nguyễn,1985). Một mặt bà sợ hãi, cam chịu bị bạo hành vì lo cho các con, vì tư duy phụ nữ kiểu cũ, nhưng một mặt khi kể về quá khứ bà lại nhớ đến những ngày hạnh phúc bên chồng con:

“trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái vui vẻ, hòa thuận”. Đây rõ ràng là một mối quan hệ không lành mạnh điển hình. Điều tệ hơn ở chỗ, đây không phải trường hợp cá biệt mà đâu đó ở Việt Nam và trên toàn thế giới, nó hoàn toàn có thể xảy ra.

Rõ ràng, ở rất nhiều trường hợp, gia đình bất ổn, bạo hành, ngoại tình là nguyên nhân gây ra rạn nứt. Nhưng nếu ta có cái nhìn sâu hơn, chính căng thẳng, xung đột và stress kéo dài mới thực sự là cái ăn mòn tình cảm gia đình. Sự ăn mòn này rất chậm, nhưng ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại là sự tổn thương sâu sắc về tinh thần của những thành viên phải hứng chịu nó.

Kết nối là chìa khóa ứng phó với Deal-breaker

Ở đây, tôi nghĩ mình có thể chia sẻ cho mọi người một chút về kinh nghiệm của mình. 

Tôi là người dễ cảm thấy bất an trong tình bạn, tình yêu, tình gia đình….Mỗi một sự việc xảy ra, tôi đều ít nhiều có suy nghĩ rằng “họ có thật sự yêu quý mình như mình từng nghĩ không?”. Điều này từng ám ảnh tôi một thời gian rất dài.

Để có thể giữ gìn những mối quan hệ, tôi thường im lặng, chịu đựng và để cuộc sống làm vơi bớt những cảm giác khó chịu. Tôi không dám nói mình thấy tức giận thế nào, hay đã có những giây phút ngột ngạt ra sao. Tôi sẵn sàng cảm thông cho tất cả, chỉ chừa bản thân mình ra. Tôi cứ tưởng mình như vậy sẽ khiến mối quan hệ tồn tại lâu hơn. Thực chất, từ trong sâu thẳm, tôi biết mối quan hệ đang dần dần suy sụp. Và cái mà tôi đang làm chỉ là nỗ lực níu kéo từ một phía. 

Đến rất lâu sau đó, tôi mới nhận ra mình đã làm sai. Càng cố tỏ ra cảm thông, tỏ ra mình ổn ở bề ngoài, thì bên trong, chúng ta càng cảm thấy bất công và lạc lõng.

“Tại sao lúc nào cũng là mình phải tỏ ra cảm thông? Tại sao phải là MÌNH?”

Thậm chí, trong mối quan hệ gia đình cũng vậy. Tôi từng nghĩ, mình không thể thay đổi được suy nghĩ của ba mẹ, nên tôi im lặng, thu mình vào không gian cá nhân. Tôi và ba mẹ dù ở trong cùng 1 gia đình, nhưng dường như là 2 thế giới cách biệt.

“Họ và tôi có khoảng cách về thế hệ, tôi làm sao để cất lời…”

Bẵng đi một thời gian, khi bắt đầu tham gia học ngành Tâm Lý, tôi mới nhận ra, vấn đề, nhiều lúc không phải nằm ở tình huống, mà là nằm ở việc tôi chưa bao giờ tự tin cất tiếng nói của mình. Tôi quá lo sợ mình sẽ kết thúc một mối quan hệ dài lâu, mà không nhận ra sự yên lặng của mình cũng đang dần dần khiến những thông điệp gia đình đi lệch hướng.

Trong bài viết “11 of the biggest deal-breakers in a relationship, according to dating experts” của mình, Pannel (2019) đã đưa ra nhận định: “Deal-breakers có thể khiến các mối quan hệ đi đến một kết thúc nhanh chóng, mặc cho mối quan hệ ấy đã tồn tại bao lâu.” (Pannel, 2019).

Tôi nghĩ điều đó đúng với mình, và ra quyết định: Tôi phải nói. Tôi bắt đầu nói với ba mẹ, với bạn bè, hay người yêu về những bất an của mình. Rằng đây là lúc tôi thấy buồn vì hành động của bạn/anh/chị/ba/mẹ. Rằng, tôi không thích điều đó, nó khiến tôi thấy không khỏe….

VIệc nói rằng mình không khỏe…lạ lùng thay, lại khiến tôi thấy khỏe hơn. Tôi không nói về nỗi đau được sẻ chia sẽ giảm đi. Tôi nói rằng khi chúng ta bày tỏ suy nghĩ của mình và xác lập lại các quy tắc và giới hạn cho mối quan hệ, chúng ta cũng đồng thời khiến kết cấu gia đình, tình bạn, tình yêu trở nên bền vững hơn. 

Điều đó cho tôi một bài học rằng, để vượt qua trắc trở trong mối quan hệ thì điều quan trọng là nối lại sợi dây liên kết bằng giao tiếp và sự chân thành. Nó vừa là giải pháp xử lý những Deal-breaker đang tồn tại, vừa phòng tránh Deal-breaker hữu hiệu. Dưới đây là một số hướng tiếp cận để nối lại sợi dây liên kết đó:

– Xây dựng lòng tin 

Các bên trong một mối quan hệ phải tham gia vào việc bộc lộ bản thân, có qua có lại. Những tiết lộ về bản thân bạn khiến mối quan hệ ngày càng sâu sắc và phát triển trở lại. Quá trình chia sẻ và lắng nghe góp phần tạo nên tình cảm thân thiết và gần gũi. (Bloom & Bloom, 2022)

– Tự tin nêu ra những deal-breakers của chính mình 

Cũng theo Rodgers (2022), trao đổi về deal-breakers với nhau một cách trực tiếp là giải pháp cải thiện quan hệ hữu hiệu nhất. Sonnenberg nói: “Bất cứ lúc nào khi bạn đưa ra những deal-breakers của mình, hãy nói trực tiếp – không phải là qua điện thoại hay tin nhắn” (Rodgers, 2022).

– Thừa nhận và phản ứng sớm (Bloom& Bloom, 2015)

Hầu hết các tình huống không bắt đầu như những deal-breakers, chúng trở thành những deal-breakers khi chúng bị bỏ qua hoặc được giải quyết không triệt để trong một thời gian dài. Một số khác, vấn đề trở thành deal breaker thật sự. Dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta đều nên trao đổi với các bên khác trong mối quan hệ về các deal-breakers trong mối quan hệ của cả hai, từ đó có thể hiểu nhau hơn và tìm ra hướng giải quyết từ sớm. 

– Tập trung thực hiện những deal-maker, chứ không phải là deal-breaker trong mối quan hệ 

Trái ngược với deal-breaker, deal-maker là những yêu cầu cần phải có để một mối quan hệ trở nên lành mạnh.

Nền tảng deal-maker bao gồm: những ranh giới, sự giao tiếp, sự tin tưởng và sự chấp thuận.v.v…

Việc nêu ra những yếu tố này, không nhất thiết phải định kỳ là cần thiết để cùng nhau thỏa thuận đưa đến sự thống nhất chung. Song song đó, việc có những hành động thiết thực để vun đắp tình cảm, quà tặng, sự chăm sóc sẽ giúp mối quan hệ có định hướng rõ ràng.

– Giao tiếp và tiếp tục giao tiếp

Điều hay xảy ra đẩy một tình huống từ khả thi thành không khả thi là một trong hai bên không sẵn lòng thảo luận cởi mở về suy nghĩ, cảm xúc, mối quan tâm, kinh nghiệm và nhu cầu của bên còn lại. Tại sao chúng ta sẵn sàng ngồi nghe nhạc, xem tivi, tổ chức vui chơi giải trí sau khi kết thúc ngày làm việc căng thẳng, mà lại không sẵn sàng cùng người thân yêu của mình trò chuyện về anh – về tôi – về chúng ta?

Bài báo trên trang New York State đề xuất hãy lựa chọn thời điểm thích hợp để trò chuyện về những vấn đề ‘quan trọng’, hoặc ‘nghiêm trọng’ (New York State, 2022).  Chúng ta nên bắt đầu khi 2 bên bình tĩnh và nếu có xung đột thì hãy cho nhau thời gian để “hạ nhiệt”. Cả 2 sẽ cần sẵn sàng xem xét việc thay đổi niềm tin hoặc hành vi của họ để tạo ra mức độ tin cậy với đối phương, bao gồm việc giữ giao tiếp bằng ánh mắt, lắng nghe tích cực…

Giao tiếp hiệu quả là giải pháp và biện pháp phòng ngừa deal-breakers tốt nhất. 

KẾT

Tuy rằng chúng ta có thể nói về những giải pháp, nhưng không phải sẽ áp dụng hiệu quả cho tất cả tình huống. Mỗi mối quan hệ là riêng biệt và độc đáo cho trải nghiệm của mỗi cá nhân. Nhất là không phải cứ sửa chữa là quan hệ ‘gương vỡ lại lành’. Điều đó buộc chúng ta phải ra quyết định nên làm gì với mối quan hệ đang “ngập ngụa” trong deal breaker của mình:

  • Hoặc là bạn quyết định cứu vãn mối quan hệ, hãy tìm cách xây dựng một kết nối tình cảm lành mạnh bằng những gợi ý ở trên. 
  • Hoặc… không phải mối quan hệ nào cũng đáng để cứu vãn. Nếu bạn không sẵn sàng để tiếp tục, hoặc bạn đã làm tất cả những gì nên làm, nhưng người kia vẫn không sẵn sàng thay đổi, thì việc kết thúc mối quan hệ gần gũi như người yêu/hôn nhân để chuyển sang mối quan hệ an toàn như bạn bè sẽ tốt hơn. 

Trở lại câu chuyện đầu bài viết, cũng bữa hẹn đó, sau vài lượt bia, tôi hào hứng kể cho mọi người chuyện lần đầu tiên làm phù rể cho 1 đám cưới giữa người Philippines – Việt Nam, cũng là một cặp quen nhau trên tàu. Họ quen nhau rồi yêu nhau, xong về Việt Nam làm đám cưới. Lần đầu tiên làm phù rể, tôi lo sốt vó thế nào, mồ hôi vã như tắm đúng nghĩa giữa tháng 8 ra sao…

Tôi ấn tượng câu chuyện ấy mãi, vì để một đám cưới khác quốc tịch như vậy xảy ra, nhất là ở môi trường lênh đênh trên biển đó. Họ dễ dàng buông tay và quẳng trách nhiệm, xách đồ về nước, đường ai nấy đi. Thế mà, một đám cưới đã xảy ra Điều đó phải cần bao nhiêu dũng cảm và may mắn mới đủ đây?

Nhưng dẫu sự việc, tình yêu và đám cưới mà tôi làm phù rể đó có kì diệu, đặc biệt tới đâu, thì hôn nhân của họ vẫn còn một quãng đường dài phía trước. Họ, rồi cũng sẽ giống như bao cặp đôi khác trên thế gian này, phải trải qua những trắc trở, trục trặc, và deal breaker.

Khi cơn phấn khích dịu xuống, niềm vui lâng lâng nhường chỗ cho những vấn đề thực tế như cơm áo gạo tiền, đó là lúc họ, các bạn và cả tôi nữa đặt câu hỏi: “Chúng ta nên làm gì tiếp theo?”.


Nguồn tham khảo

Emamzadeh, A. (2021) The 7 Biggest Deal-Breakers in Relationships. https://www.psychologytoday.com/us/blog/finding-new-home/202202/the-7-biggest-deal-breakers-in-relationships

McDow, C. (2021). How to Choose Your Dating Dealbreakers Wisely. https://www.verywellmind.com/how-to-choose-your-dating-dealbreakers-wisely-5193072 

Cherry, K. (2022). Signs That You’re In an Unhealthy Relationship. https://www.verywellmind.com/signs-that-youre-in-an-unhealthy-relationship-5218237

Bloom, L., Bloom, C. (2015). The Truth About ‘Dealbreakers’ in Relationships. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/stronger-the-broken-places/201504/the-truth-about-dealbreakers-in-relationships 

Rodgers, L. (2022). 5 Relationship Deal Breakers That Suggest It’s Time to Move on. https://www.thehealthy.com/family/relationships/relationship-deal-breakers/

New York State (2022). What Does a Healthy Relationship Look Like? https://www.ny.gov/teen-dating-violence-awareness-and-prevention/what-does-healthy-relationship-look

Nguyễn, M.C. (1985) Chiếc thuyền ngoài xa. Bến Quê.

Pannell, N. (2019). 11 of the biggest deal-breakers in a relationship, according to dating experts. https://www.insider.com/deal-breakers-relationships-dating-experts-2019-11 

Pease, K., Preston, B. (1967). Road safety education for young children. British journal of education psychology, 37 (3). 305-313. 

Wendy, L., P.(2022). How to Handle a Partner Who Gives You the Silent Treatment. https://www.psychologytoday.com/us/blog/why-bad-looks-good/202207/how-handle-partner-who-gives-you-the-silent-treatment


Nội dung: Đặng Diệp Quân & Quách Ngọc Hân

Hình ảnh: Nguyễn Bảo Huy

COSMIC HORROR – KHI KINH DỊ XUẤT PHÁT TỪ NỖI LO ÂU HIỆN SINH

Cosmic Horror (tạm dịch: kinh dị vũ trụ) là một nhánh văn học kinh dị do cố tiểu thuyết gia người Mỹ H. P. Lovecraft sáng lập nên, chính vì thế thể loại Kinh dị vũ trụ còn có một cái tên khác là Lovecraftian Horror (Kinh dị Lovecraft). Số tác phẩm của Lovecraft tương đối nhỏ (3 tiểu thuyết, 60 truyện ngắn và các bài thơ khác nhau), tuy nhiên ảnh hưởng của Lovecraft đến hậu thế lại chẳng thể nào bàn cãi (Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu, 2022)[2].

Bối cảnh

Kết thúc thế kỉ XVII với những con quái vật được xây dựng dựa trên các nguyên mẫu tồn tại trong thần thoại, nền móng văn học kinh dị thế kỉ XIX tràn ngập trong những con quái vật như Frankenstein trong “The Modern Prometheus” (1818) của Marry Shelly, Mr. Hyde trong “The Strange case of Dr. Jekyll and Mr. Hyde” (1886) của Robert Loius Stephenson hay Người tàng hình tác phẩm cùng tên của H.G Wells (1897), việc chuyển thể liên tục lên màn ảnh lớn các sinh vật quái dị trên đã gây nên hiện tượng thoái trào trong thường thức nghệ thuật (Tyler, 2021)[5]. 

Song đầu thế kỷ XX, H.P Lovecraft đã thổi lên một làn gió mới chẳng thể nào mai một bởi phong trào công nghiệp hoá này, bởi lẽ các tác phẩm của Lovecraft là những phép mầu mà công nghệ điện ảnh mãi đến tận thời buổi đương đại vẫn còn bước đầu chật vật hiện thực hoá . Bởi lẽ viên ngọc quý của Lovecraft chứa đựng một thứ gì đó vượt trên tất cả, một viên ngọc ma mị vượt ngoài giới hạn hiểu biết của con người (Prohászková, 2012)[6].

CLUTHU MYTHOS – NỖI SỢ ĐẾN TỪ “KHÔNG GÌ CẢ???”

Howard Phillips “H. P.” Lovecraft (1890-1937) sinh ra tại Providence, Rhode Island, Hoa kỳ. Ngay từ bé, Lovecraft đã bộc lộ tố chất thần đồng, khi trưởng thành. Lovecraft được nhìn nhận là một người uyên bác. Sự am hiểu kiến thức sâu rộng thể hiện ở việc Lovecraft tận dụng triệt để sự lo âu hiện sinh (Angst) và sự sáng tạo như chưa từng dựa vào bất kỳ những hiện hữu có sẵn trên cuộc sống này.

Kinh dị vũ trụ là đứa con thể hiện đầy đủ những nét đặc sắc tinh thần của Lovecraft. Xoay quanh hai chủ đề chính là sự hiện hữu của những thực thể to lớn khiến tồn tại của con người nhỏ bé đến mức hư vô và lối kể chuyện mang đậm tính chất siêu hình khi dần khai thác những góc nhìn khác nhau về những điều vượt quá tầm hiểu biết bởi  những thực thể to lớn đến  một cách vô lý, được đặt bằng những cái tên mà chẳng thể nào có thể đọc mà không thể bị lẹo lưỡi (Cthulhu, Yog-sothoth, Shub-Niggurath,…). 

Khác với cách kể chuyện truyền thống, chủ thể trong các tác phẩm của kinh dị vũ trụ không phải là những con người phải chống chọi với thế lực tà ác hay những thực thể siêu nhiên. Trên cả thế, Kinh dị vũ trụ khắc hoạ nên những hiện hữu vượt trên cả những thực thể thần thánh (Outer God, Ancient One), những thuật ngữ ngay cả dịch thuật Việt hoá cũng gặp khó khăn trong chuyển ngữ. Sự quái dị trong Kinh dị vũ trụ thể hiện ở những lời kể mơ hồ như đưa độc giả hoá thân vào những con người nhỏ bé phải đối mặt với những điều vượt quá nhận thức của con người, trong đó trọng tâm là những kì quái mơ hồ kia.

Bản chất tinh thần của Kinh dị vũ trụ nằm ở sự mơ hồ và sự mơ hồ đó được thể hiện một cách sâu sắc và uyên thâm. Lovecraft ngay từ bé được nhìn nhận như vậy, trong cả các tác phẩm của mình, độc giả dễ dàng thấy được rằng Lovecraft đã tạo nên Huyền tích Cthulhu (Cthulhu Mythos) – viên gạch đầu tiên của kinh dị vũ trụ – bằng cách tạo ra lối đi cắt bỏ tất cả những tri thức của loài người, bởi thế tinh thần của Lovecraft là tinh thần sáng tạo Ex Nihilo (sáng tạo từ hư vô). 

Nhằm tăng cường tính liên kết, các giáo phái và nghi thức được sinh ra nhằm tạo cầu nối giữa cái hư và cái thực giữa muôn trùng những mơ hồ hiện hữu. Không khó để bắt gặp những chi tiết khi độc giả được hoá thân vào góc nhìn thứ nhất nhân vật kể chuyện thực hiện nghi thức kết nối với các thực thể mơ hồ của Cluthu Mythos mà dẫn đến bị thao túng hoặc phát điên vì vượt quá khỏi bất cứ gì độc giả lẫn nhân vật kể chuyện có thể mường tượng đến.

Lovecraft ra đi vào năm 1937 để lại những di sản gây những ấn tượng lớn, tạo nên những ảnh hưởng trong sáng tạo văn hoá đại chúng. Cùng đồng hành và mở rộng những gì đang dang dở của những “The Tomb” (1917), “Dagon” (1917), “Ex Oblivione” (1920), “The call of Cthulhu” (1928), “The Haunter of the Dark” (1935)… Sự cộng tác và thừa kế của những cái tên có tiếng như Robert E. Howard, Rober W. Chambers, Sonia H. Greene, Agust Derleth,… hay thậm chí là những Neil Gaiman, Guillermo del Toro, Alan Moore và Stephen King cùng hoàn thiện nên một Greater Cthulhu Mythos có mức độ chặt chẽ và là nền tảng cảm hứng của vô vàn sáng tác sau này. 

Khi sự nhỏ bé của con người được khuếch đại một cách bất thường

Những tác phẩm ma mị của Lovecraft như là một cách tiểu thuyết gia đối mặt với cuộc sống này. Năm Lovecraft lên ba (1893), trên chuyến nghỉ dưỡng cùng gia đình đến Chicago, bố của tiểu thuyết gia lên cơn loạn thần cấp, Lovecraft phải tách khỏi bố mình cho đến bố Lovecraft ra đi vào năm 1898. Năm 1919, mẹ của Lovecraft ra đi vì trầm cảm nặng và Hysteria. Năm 1936, tiểu thuyết gia kinh dị Robert E. Howard, một người cộng sự rất thân thiết với Lovecraft ra đi vì tự sát, một năm sau đó Lovecraft cũng rời khỏi cõi đời này vì suy dinh dưỡng và ung thư dạ dày (Lời Hiệu Triệu Của Cthulhu, 2022)[2].

Các tiểu thuyết viễn tưởng sinh ra như là sự tổng hòa của cơ chế phòng vệ chối bỏ (denial),  dồn nén (repression), tri thức hoá (intellectualization) và thăng hoa (sublimate). Bên trong các tác phẩm của Lovecraft hằng chứa đủ những điều đó, có lẽ tiểu thuyết gia đã chọn cách tri thức hoá để xây dựng nền một thế giới giả tưởng và chối bỏ thực tại bằng cách sáng tạo theo tinh thần Ex Nihilo, bên cạnh đó, sự bất lực và nhỏ bé trong cuộc đời ông cũng được thăng hoa thành tạo phẩm các thực thể vượt trên cả siêu nhiên trong các tác phẩm của mình.

Kinh dị vũ trụ thực sự đặc sắc vì đã tận dụng triệt để, đánh sâu vào nỗi lo âu thường trực của bất cứ ai trên cuộc đời này. Từ việc hoài nghi bản thân, cảm thấy hình ảnh bản thân nhỏ bé, Lovecraft đã xây nên một nền móng vững chắc dựa trên một trong những nỗi lo âu gần gũi mà cũng rất tối thượng của con người, lo âu về sự trống rỗng (hay theo thuật ngữ chuyên ngành là sự trống rỗng hiện sinh-Existential Vacuum) được khuếch đại trên cả mức điên rồ có thế chấp nhận được.

Ngày nay, khi các sản phẩm kinh dị dựa trên siêu nhiên không còn quá nổi trội với xu hướng đại chúng nữa, các tác phẩm Kinh dị vũ trụ lại trở lại mang theo một nỗi sợ quen thuộc trong một thế giới hậu hiện đại khi sự bộn bề của nhịp sống khiến thế giới thay đổi liên tục, các gái trị văn hoá dần dà bị thay đổi không ngừng nghỉ, mãi thay đổi để thích nghi, chính con người trong xã hội cũng chẳng thể nào dành quá nhiều thời gian để tìm hiểu về sự hiện sinh của bản thân hay là ý nghĩa thực sự của cuộc sống ngoài kia (Bauman, 2000)[1]. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp để Kinh dị vũ trụ trở lại như “The evil dead” (1981) bởi đạo diễn Sam Raimi, “The Thing” (1982) bởi đạo diễn John Carpenter, “Alien” (1979) bởi đạo diễn Ridley Scott, “Annihilation” (2018) bởi Alex Garland, “Color out of Space” (2019) của Richard Stanley và “In the Carbinet of Curiosities” (2022-) bởi đạo diễn Guillermo del Toro hay các tiểu thuyết như “It” (1986) của Stephen King, A “Study in Emerald” (2003) của Neil Gaiman, thậm chí là các trò chơi điện tử như “The Sinking City” (2019), “Elden Ring” (2022) từ FromSoftware hay “Scorn” (2022) từ Ebb Software.

Kinh dị vũ trụ quả thực đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh của nó là gây khiếp sợ đối với độc giả, đồng thời, chưa bao giờ ranh giới giữa khoa học viễn tưởng và hiện thực lại gần đến thế. Cầu nối giữa quái dị và thân quen, mơ hồ và thực tế lại là cảm xúc, một giá trị mà nghệ thuật kéo sự thấu cảm giữa người sáng tạo và người thưởng thức, để xoá đi ranh giới, hình thành sự thấu cảm (empathy), chìa khoá của vận hành tâm lý, hình thành nên cảm thức xã hội (social interest) liên kết con người lại với nhau để cùng chấp nhận và vượt lên những khuyết điểm nhằm hướng đến sự thành toàn.


Tài liệu tham khảo

[1] Bauman, Z. (2000). Liquid Modernity (1st ed.). Polity.

[2] Lời hiệu triệu của Cthulhu. (2022). Wings Books; NXB Kim Đồng.

[3] The H.P. Lovecraft Archive. (n.d.). Retrieved 26 October 2022, from https://www.hplovecraft.com/

[4] The H.P. Lovecraft Wiki | Fandom. (n.d.). Retrieved 26 October 2022, from https://lovecraft.fandom.com/wiki/Main_Page

[5] Tyler, A. (2021, May 12). Why The 1990s Were A Bad Decade For Horror Movies. Screen Rant. https://screenrant.com/horror-movies-1990s-bad-decade-why/

[6] Prohászková, V. (2012). The genre of horror. American International Journal of Contemporary Research, 2(4), 132-142.


Nội dung & Hình ảnh: Phạm Thế Minh Đức

VĂN MẪU DÀNH CHO SINH VIÊN NGÀNH TÂM LÝ

“Học tâm lý hả? Đọc được suy nghĩ của tui không?” 

“Học ngành đó rồi mai mốt ra trường làm gì?”  

Một điều đáng mừng là ngành Tâm lý học hiện tại ngày càng nhận được nhiều sự chú ý hơn từ xã hội, song vẫn còn tồn tại nhiều định kiến chưa được chuẩn xác, cần được điều chỉnh và phổ cập từ những nguồn đáng tin cậy hơn. Mang cái mác là sinh viên tâm lý, chắc hẳn bạn đã phải trả lời thật nhiều câu hỏi xoay quanh ngành học của mình, nhất là những câu “hỏi xoáy” có thể làm bạn loay hoay và mất nhiều thời gian để đáp trả. Vì vậy, hôm nay chúng mình xin gửi đến bạn một vài đoạn “văn mẫu” thực chiến để không chỉ trả lời câu hỏi mà còn cung cấp một góc nhìn toàn diện hơn về Tâm lý học nhé! 😉

1. “Bạn học tâm lý thì có biết tui đang nghĩ gì trong đầu không?” 

Trả lời: “Học tâm lý không giúp tui đọc được suy nghĩ của người khác, nhưng giúp tâm trí cởi mở hơn, rèn luyện những cách thức thấu hiểu, cảm nhận và hiện diện với suy nghĩ của người khác tốt hơn.” 

Và tâm lý con người cũng không phải một chú ếch có thể được giải phẫu trong nháy mắt, mà còn cần quá trình quan sát, tiếp cận với công cụ phù hợp nữa. Những sinh viên tâm lý là những người được đào tạo lâu dài để quan sát, tiếp cận chú ếch đầy rắc rối đó.  

Nên bạn ơi, có khi sinh viên tâm lý hiểu mình còn khó nói chi là hiểu người.

2. “Học Tâm lý học là mai mốt ra trường làm bác sĩ tâm lý hả?” 

Trả lời: “Đầu tiên, nếu tui làm bác sĩ tâm lý thì không có bệnh viện nào nhận tui hết á! Vì tại Việt Nam, các bác sĩ chuyên khoa tham gia chẩn đoán, điều trị,… các vấn đề hay rối loạn tâm thần được gọi là bác sĩ tâm thần; và người làm trong lĩnh vực tham vấn – trị liệu được gọi là tâm lý gia. “ 

Những tâm lý gia không “chữa” bất cứ rối loạn nào, nhưng có vai trò tìm hiểu ý nghĩa đằng sau các triệu chứng tâm bệnh thông qua hoạt động tham vấn – trị liệu; và có thể phối hợp với các bác sĩ tâm thần để hỗ trợ thân chủ trong những trường hợp cần thiết.  

Hơn hết, tâm lý học là một ngành mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Một sinh viên tốt nghiệp cử nhân có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, miễn là đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn bên cạnh các kiến thức tâm lý – những kiến thức hữu ích trong môi trường làm việc với con người. 

Việc bắt gặp một người làm trong lĩnh vực kinh tế, nghệ thuật, truyền thông,… từng học tâm lý cũng không còn quá xa lạ trong thời đại này. Nên nếu bạn đã ở đây với tâm lý học, bạn đang có cơ hội bồi dưỡng sự thấu suốt trong việc nội quan bản thân, tìm kiếm điều mình giỏi, mình thích, rồi sửa soạn hành trang phù hợp để dấn thân vào biển người muôn hình kia. 

3. “Tâm lý học gì mà toàn nói hiển nhiên? Ra đời trải nghiệm từ từ là biết, học làm chi!” 

Trả lời: “Những lẽ hiển nhiên là nền tảng cốt lõi của các lý thuyết về tâm lý học (Fletcher, 1980). Nhưng có người nào dám tự tin nắm chắc tất cả những lẽ hiển nhiên trên cuộc đời?  

Vậy nên, các lý thuyết tâm lý ra đời cũng nhằm cung cấp các khung để xác định hành vi, cảm xúc, suy nghĩ,… của con người, rồi xem xét các khung đó ở nhiều bối cảnh khác nhau (lịch sử, văn hóa, giới,…), tiếp tục nghiên cứu và phân tích sâu hơn, để thấy những khác biệt và thay đổi về niềm tin trong hai chữ “hiển nhiên”.  

Kho tàng kiến thức tâm lý học mấy thập kỷ này chắc phải trải nghiệm “từ từ” mấy năm mới nghiệm được sâu sắc. Nói hiển nhiên là vậy, nhưng với phương pháp khoa học thì không dám nói hiển nhiên! 

Bạn vẫn chưa tin mình ư? Vậy bạn hãy đoán xem những thông tin “hiển nhiên” nào dưới đây là đúng và đâu là sai nhé: 

  1. Khi giáo viên lớp một làm việc về việc đọc với một nhóm nhỏ trẻ, một số giáo viên theo dõi sát những hoạt động của trẻ trong nhóm nhỏ, trong khi những người khác theo dõi toàn bộ lớp học. Thành tích đọc của lớp có giáo viên theo dõi theo từng nhóm sẽ thấp hơn. 
  2. Học sinh lớp 3 học tốt hơn trong các nhóm đọc khi giáo viên đặt câu hỏi trước rồi mới gọi tên học sinh. 
  3. Khi dạy đọc, những giáo viên sử dụng các hoạt động dựa trên giấy và bút (sách giáo khoa, sách bài tập,…) sẽ mang lại thành tích đọc cao hơn so với những giáo viên sử dụng trò chơi, đồ chơi. 
  4. Từ lớp 1 đến lớp 9, thành tích của học sinh ở những lớp có ít sự kiểm soát của giáo viên và nhiều sự tự do cho học sinh sẽ có xu hướng cao hơn so với những lớp có nhiều sự kiểm soát của giáo viên và ít sự tự do cho học sinh hơn. 

Hãy lấy giấy và ghi chú lại những câu bạn cho là đúng nhé. 

Bạn đã xong chưa? 

Đâu là những câu đúng và đâu là những câu sai? 

Đáp án: những tuyên bố chính xác theo nghiên cứu là tuyên thứ nhất và tuyên bố số 3, hai tuyên bố còn lại đều đối lập với những kết quả nghiên cứu.  

Bạn đoán đúng được bao nhiêu câu trong số những câu trên? Nếu như kết quả của bạn vẫn chưa chính xác thì đừng buồn nhé, thật ra chỉ có từ 12% đến 50% số người được hỏi nhận biết được chính xác kết quả đúng thôi (Wong, 1995) 

Có vẻ như việc bỏ thời gian, công sức và tiền của để nghiên cứu những điều “hiển nhiên” của các nhà tâm lý học không hẳn là uổng phí đâu nhỉ! 


Nguồn: Fletcher, G. J. (1984). Psychology and common sense. American Psychologist, 39(3), 203.


Nội dung: Lê Bảo Ân & Nguyễn Đức Thịnh

Hình ảnh: Trần Ngô Lan Hương

TRẺ VÀ SỨC KHỎE TINH THẦN

Giới thiệu

Kinh qua gần nửa năm đầu đối với một năm nọ trong một mốc đâu đó thập niên thứ hai của thế kỉ 21, một năm ắt khiến những ai đó tưởng rằng bình yên sẽ trở lại cho một thời kỳ bình thường mới. Bên cạnh những nỗi đau về tinh thần lẫn thể xác, nỗi đau chung của đồng bào, tồn tại thêm những nỗi đau khác đối với thế hệ trẻ, những sự kiện đáng buồn vô cùng dễ lãng quên.

Tưởng chừng như sau khoảng thời gian truyền thông liên tục đưa tin về những sự kiện không may về trẻ cũng đã phần nào giúp phần đại chúng ý thức về cảm xúc và tinh thần của trẻ, thế nhưng chưa bao giờ là dấu chấm hết cho tình trạng nhiễu nhương trên. Sự việc đáng thương tâm gần nhất xuất hiện trên Báo Lao Động đầu tháng 6 (2022) [14] tiếp tục kéo dài thêm cho câu hỏi lớn: “Liệu rằng trẻ có cảm xúc không?” (Huyen, C., 2022).

“Tabula Rasa”

Để trả lời cho câu hỏi trên, hãy bắt đầu với quan niệm nổi tiếng gắn với tên tuổi của triết gia duy nghiệm người Anh, John Locke (1690) [18] trong quyển thứ II của luận án “An Essay Concerning Human Understanding” (“Luận án về sự liên hệ đến giác tính* con người”) viết về lý thuyết giác tính, John Locke đã đề cập đến cụm từ Latin “Tabula Rasa” (được dịch thô ra là “Trang giấy trắng”) là một trong những góc nhìn mang ý nghĩa tiên quyết trong giáo dục và hình thành nhân cách của con người. Quan điểm trên đề xuất rằng con người sinh ra là một tờ giấy trống sau đó được viết lên và hình thành nên hiểu biết và tính cách thông qua xã hội. Quan điểm này sau đó đã là tiền đề và được sự đồng thuận của hàng loạt các triết gia tên tuổi như Henry More, Réne Descartes, Immanuel Kant, Jacques Derrida,… (John Locke, 1690).

Theo ghi chép của Duschinsky (2012) [7], “Tabula Rasa” thực chất là một thuật ngữ Latin có từ lâu đời. Trong tác phẩm De Animan, triết gia Aristoteles có viết ‘What [the mind] thinks must be in it just as characters may be said to be on a writing tablet (grammateion) on which as yet nothing actually stands written’ (tạm dịch: “Bản chất của tâm trí phải là một trang giấy trắng mà trên đó những kí tự được viết lên”**) (1986) [2]. Sau này được Giám mục Albus Magnus (hay còn được biết đến với cái tên “Thánh Albertô Cả”) đã đưa ra cách lý giải cho “grammateion” cho bản dịch Latin là “tabula rasa”. (Albus, 1986; Duchinsky, 2012).

*Vì bản chất của luận án trên là luận án Triết học nên người viết xin phép được mượn từ đã chuẩn hoá từ chuyên ngành Triết học của TS Bùi Văn Nam Sơn và TS Lưu Hồng Khanh trong cuốn “Kant trong 60 phút”. (2020). Nhà Xuất Bản Hồng Đức.

**Đoạn này người viết chọn cách dịch nội hoá (domestication) theo diễn giải của Friedrich Schleiermacher (1813) [22] với mục đích nhằm hướng đến nhiều đối tượng độc giả rộng hơn. Vì vậy theo quan điểm trên, đối với cảm xúc, một nhân tố xã hội, được hình thành “phác hoạ” lên bản thân, đồng nghĩa với việc trong quá trình hình thành trên, trẻ sẽ tiếp nhận và hấp thụ các nhân tố (cảm xúc, niềm tin, suy nghĩ,…), “trang giấy trắng” sẽ vô thức hấp thụ những “Vết mực đen”, và cũng vì vậy sức khoẻ nói chung và sức khỏe tinh thần nói riêng của trẻ nên ngày càng được quan tâm hơn.

Châu Á, khác biệt là ở đâu?

Gia đình là môi trường đầu tiên đưa trẻ vào quá trình xã hội hoá, hay có thể mô tả là nơi đầu tiên để “grammateion” được khai bút. Như vậy, yếu tố môi trường nhắc đến là gia đình góp phần quan trọng xuất hiện và là các nhân tố chính của các cách tiếp cận như học thuyết Hoạt động Lịch sử-Văn hoá (Cultural-Historical Activity Theory)***, Phân tâm****, Phát triển*****,…

***Trong cách tiếp cận của Hoạt động Lịch sử-Văn Hoá, Yrjö Engeström (1987) [8] đã phát triển nên mô hình cấu trúc của việc học tập gồm 6 hạt nhân: Chủ thể (Subject), Mục tiêu (Object), Công cụ (Tool: tức phương thức để chủ thể tác động lên mục tiêu), Tập thể các nhân tố có ý nghĩa (Community of significant others: Tập thể những người cùng chia sẻ chung một chủ thể và mục tiêu), Luật lệ (Rule: là các nguyên tắc tồn tại giữa Tập thể các nhân tố có ý nghĩa và Chủ thể) và cuối cùng là Phân công lao động (Division of Labor: là các sự kiện mà những cá nhân khác nhau trong tập thể thực hiện liên hệ với chủ thể) (Engeström, 1987).

Trong 6 hạt nhân trên, ta dễ dàng liên hệ chúng với cấu trúc là gia đình. Chủ thể là trẻ. Mục tiêu là các sự kiện như cha mẹ xung đột. Công cụ là phương thức mục tiêu ảnh hưởng đến trẻ như là những lời cãi vả của bố mẹ trút giận lên trẻ thông qua lời nói hoặc hành động. Tập thể các nhân tố có ý nghĩa là những người lan toả xung đột đến trẻ-tức là bố mẹ. Luật lệ là các nguyên tắc hình thành cảm xúc hoặc hành vi của trẻ đối với vấn đề xung đột của bố mẹ như chạy trốn hay kìm nén uất ức. Phân công lao động là các phương thức riêng mà bố mẹ phản ứng với tình trạng xung đột đó.

****Tiếp cận Phân tâm cũng nhấn mạnh về trải nghiệm tuổi thơ, đối với Freud có nghiên cứu về phức cảm Oedipus (1899) [11] và học thuyết về tính dục trẻ thơ (1905) [12] . Lacan cũng có nghiên cứu trải nghiệm tuổi thơ thông qua Thuyết giai đoạn gương (1966) [17] trong khi đó Klein cùng với các công trình phân tâm trong đó nghiên cứu về sự phát triển của trẻ và hình ảnh người mẹ trong giai đoạn từ 4-6 tháng đầu (1923) [16] (Freud, 1899, 1905, 1923, 1966).

*****Tiếp cận phát triển có đặc trưng chia thành các giai đoạn phát triển, đại diện của tiếp cận có thể kể đến là Học thuyết các giai đoạn phát triển nhận thức của Piaget (1936) [21] hay các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson (1958 & 1963) [9-10] và quá trình giáo dục như Học thuyết gắn bó của Bowlby (1982) [4] & Ainsworth (1970) [20] hay Học thuyết về các kiểu phụ huynh của Baumrind (1971) [3] và được phát triển bởi Maccoby & Martin (1983) [19] (Piaget, 1936; Erikson, 1958, 1963; Bowlby, 1982; Ainsworth, 1970; Baumrind, 1971; Maccoby & Martin, 1983).

Thông qua các tiêu chí đánh giá hình thức làm phụ huynh của Baumrind (1971)[3], bài luận của IvyPanda đã phân loại phổ quát kiểu hình đối với kiểu làm phụ huynh đặc trưng giữa các quốc gia phương Đông và phương Tây. Trong đó, đặc trưng cho phương Tây là kiểu phụ huynh Dân chủ (Authoritative)****** và đặc trưng cho phương Đông là kiểu Độc tài (Authoritarian)******* (2019) [15] (Baumrind, 1971; IvyPanda, 2019).

******Dân chủ là kiểu phụ huynh có tính kiểm soát cao (thông qua các cơ chế răn đe, thưởng phạt) đồng thời khả năng đáp ứng nhu cầu của con cái cao (đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần như lắng nghe và chia sẻ).

*******Độc tài là kiểu phụ huynh có tính kiểm soát cao (thông qua các cơ chế răn đe, thưởng phạt) tuy nhiên khả năng đáp ứng nhu cầu của con cái thấp (thiếu đi khả năng đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần như lắng nghe và chia sẻ đối với con cái).

Quay trở lại với kết quả nghiên cứu giữa các hình thức gắn bó của phụ huynh của Baumrind (1971) [3], đối với kiểu cha mẹ Dân chủ, trẻ được tạo điều kiện tự do phát triển trong môi trường sẽ ít phụ thuộc vào gia đình hơn, mặt khác các bé trai trưởng thành trong gia đình theo hình thức Dân chủ xuất hiện tính cách ít bạo lực hơn, đối với bé gái sẽ bộc lộ tính cách chú tâm và độc lập hơn. Mặt khác, đối với hình thức Độc tài, điểm số đặc trưng cho khả năng tự lập và tự chủ thấp hơn nhiều so với hình thức Dân chủ. Việc cảm xúc bị dồn nén và phớt lờ khiến trẻ trở nên bảo thủ, rập khuôn và không cảm thấy thoải mái với xã hội hơn các nhóm được ghi nhận với các kiểu phụ huynh còn lại (Baumrind, 1971).

Trong một nghiên cứu khác về mối quan hệ gia đình đóng vai trò trung gian cho mối liên hệ giữa các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống liên quan đến gia đình và các triệu chứng trầm cảm ở tuổi vị thành niên và các hành vi có vấn đề ở phương Đông và phương Tây tại Đại học California (Dmitrieva và cộng sự., 2004) [6], với biến độc lập là sự kiện tiêu cực (negative life events); nhóm trung gian là xung đột gia đình (parent-adolescent conflict), gắn kết gia đình (parental involvement), trừng phạt thành niên (sanctions of adolescent misconduct) và nhóm kết quả bao gồm các vấn đề hành vi (behavior problems) và khí sắc ưu sầu (depressed mood) trên 1696 trẻ vị thành niên với trình độ học vấn 11/12 (eleventh graders) của 4 quốc gia (Hoa kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Cộng hoà Czech). Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ vị thành niên có chỉ số của nhóm biến trung gian càng cao thì chỉ số tại nhóm biến kết quả càng thấp. Đối với hai quốc gia phương Đông (Hàn Quốc và Trung Quốc) so với 2 quốc gia phương Tây còn lại (Hoa Kỳ và Cộng hoà Czech) thì chỉ số nhóm biến kết quả (khí sắc tiêu cực và vấn đề hành vi) cao hơn 2 quốc gia còn lại, trong khi đó thì chỉ số của nhóm biến trung gian lại thấp hơn so với hai nước đã nêu trên.

Qua các nghiên cứu và cách tiếp cận trên, mối liên hệ và sự khác biệt trong các hình thức làm cha mẹ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành cảm xúc và sức khỏe tinh thần ở trẻ. Phần tiếp theo sẽ nói về một vài vấn đề tinh thần ở trẻ.

Các rối loạn thường gặp ở trẻ

Bỏ qua các vấn đề về rối loạn khởi phát bẩm sinh, theo CDC (Cục quản lý và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ) tổng hợp dựa vào Sổ tay hướng chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần phiên bản thứ 5 (DSM-5) (American Psychiatric Association, 2013) [1], các rối loạn ở trẻ có thể liệt kê như Rối loạn lo âu (Anxiety Disorders), Rối loạn khí sắc (Mood Disorders, đặc trưng là trầm cảm), Rối loạn chống đối (Oppositional Defiant Disorder), Rối loạn ứng xử (Conduct Disorder), hội chứng Tourette, Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-compulsive Disorder), Rối loạn tăng động/tập trung (Attention Deficit/Hyperactivity Disorder) và Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (Post-trauma Stress Disorder) (CDC, 2021) [5]. Ngoài ra rối loạn học tập (Learning Disorders) cũng là một dạng rối loạn phổ biến, đồng thời đã bị xem xét gạch tên khỏi DSM-5 tuy nhiên vẫn còn xuất hiện ở ICD-10 với tên gọi khác là Rối loạn phát triển kỹ năng học tập (Developmental disorder of scholastic skills) (World Health Organization, 2004) [23].

Mặt khác, các rối loạn trên cần được chẩn đoán bởi các chuyên gia mới có được kết quả chính xác, chính vì thế đối với phụ huynh hoặc những người đang tiếp xúc nhiều với trẻ có thể để ý đến các dấu hiệu đã được Sanjana Gupta tổng hợp và kiểm duyệt bởi Ann-Louise T. Lockhart như sau (Gupta & Lockhart, 2022) [13]:

◾ Đối với trẻ nhỏ (dưới 13 tuổi)
Các dấu hiệu như cáu bẳn (khóc nhiều); khó ngủ (trằn trọc, mất ngủ, khó ngủ, gặp ác mộng); các vấn đề liên quan tới tiêu hoá (khó ăn, nôn mửa, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón); són dầm (són trên giường mặc dù đã được giáo dục kỹ lưỡng); lo âu (lo âu khi gặp người lạ, hiện tượng lạ, địa điểm lạ hoặc thậm chí lo âu khi rời khỏi nhà); hành vi hung hăng (chống đối, không vâng lời, đấm đá hoặc thậm chí cắn hay quăng đồ hung hãn) hoặc các vấn đề liên quan đến phát triển (chậm, thoái hoá hoặc mất đi các biểu hiện, hành vi,… so với đồng trang lứa).

◾ Đối với thiếu niên (từ 13-19 tuổi)
Các dấu hiệu xuất hiện như là: thường xuyên cáu bẳn; buồn, lo hãi, hoảng sợ hoặc chán đời; thay đổi cảm xúc đột ngột; mất khả năng bộc lộ cảm xúc; tự cô lập; mất đi hứng thú với sở thích; thiếu năng lượng; mất ngủ; ăn quá nhiều hoặc mất hứng ăn; khó khăn trong học tập; mất cảm hứng học tập; đau nhức cơ thể không lý do; thực hiện các hành vi mạo hiểm; gây gổ, đánh nhau; sử dụng các chất gây nghiện; có hành vi tự hại hoặc đề cập đến cái chết.

Kết

Trẻ em là “tờ giấy trắng mỏng manh” và dễ dàng bị “vấy bẩn” bằng các tác nhân môi trường mà gần gũi nhất là các tác động tiêu cực và gắn bó với gia đình, cũng từ đó các vấn đề về sức khoẻ tâm thần của trẻ là một vấn đề thời sự và đáng được quan tâm nhiều hơn. Giáo dục là một việc làm hết sức khó khăn, tuy nhiên vì sự phát triển của giống loài, việc quan tâm đến thế hệ trẻ là thoả đáng và nhất thiết đối với xã hội loài người.


Tài liệu tham khảo

[1] American Psychiatric Association’s (2013) Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (5th ed.; DSM-5)

[2] Aristotle, A. (1986). De anima (On the soul). Penguin London.

[3] Baumrind, D. (1971). Current patterns of parental authority. Developmental Psychology Monograph, 4(1, Pt. 2), 1-103

[4] Bowlby, J. (1982). Attachment and loss: Retrospect and prospect. American Journal of Orthopsychiatry, 52(4), 664–678. https://doi.org/10.1111/j.1939-0025.1982.tb01456.x

[5] CDC. (2021, January 26). Children’s Mental Disorders. Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/childrensmentalhealth/symptoms.html

[6] Dmitrieva, J., Chen, C., Greenberger, E., & Gil-Rivas, V. (2004). Family Relationships and Adolescent Psychosocial Outcomes: Converging Findings From Eastern and Western Cultures. Journal of Research on Adolescence, 14(4), 425–447. https://doi.org/10.1111/j.1532-7795.2004.00081.x

[7] Duschinsky, R. (2012). Tabula Rasa and Human Nature. Philosophy, 87(4), 509-529. doi:10.1017/S0031819112000393

[8] Engeström, Y. (1987). Learning by expanding: An activity-theoretical approach to developmental research. Orienta-Konsultit Oy.

[9] Erikson, E. H. (1958). Young man Luther: A study in psychoanalysis and history. Norton.

[10] Erikson, E. H. (1963). Youth: Change and challenge. Basic books.

[11] Freud, S. (1899). The Interpretation of Dreams. Franz Deuticke.

[12] Freud, S. (1953). Three essays on the theory of sexuality (1905). In The standard edition of the complete psychological works of Sigmund Freud, Volume VII (1901-1905): A case of hysteria, three essays on sexuality and other works (pp. 123-246).

[13] Gupta, S., & T. Lockhart, A.-L. (2022, April 9). Signs Your Child May Be Struggling With Mental Health Issues. Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/signs-your-child-may-be…

[14] Huyền, C. (2022, June 2). Em bé Long An 18 tháng tử vong và loạt vụ bạo hành chấn động dư luận. Báo Lao Động. https://laodong.vn/…/em-be-long-an-18-thang-tu-vong-va-lo

[15] IvyPanda. (2019, August 12). Comparison Parenting between Asian Parents and Western Parents. https://ivypanda.com/…/at-vu-bao-hanh-chan-dong-du-luan…

[16] Klein, M. (1923). The development of a child. International Journal of Psycho-Analysis, 4, 419-474.

[17] Lacan, J. (1966). Écrits (Champ Freudien ed.). SEUIL.

[18] Locke, John. (1690). An Essay Concerning Humane Understanding (1st ed.).

[19] Maccoby, E. E., & Martin, J. A. (1983). Socialization in the context of the family: Parent-child interaction. In P. H. Mussen (Series Ed.) & E. M. Hetheringtono(Vol. Ed.), Handbook of Child Psychology: Vol. IV. Socialization, Personality and Social Development (4th Ed., pp. 1-101). New York: Wilepy.

[20] Mary D. Salter Ainsworth, & Bell, S. M. (1970). Attachment, Exploration, and Separation: Illustrated by the Behavior of One-Year-Olds in a Strange Situation. Child Development, 41(1), 49–67. https://doi.org/10.2307/1127388

[21] Piaget, J. (1936). Origins of intelligence in the child. Routledge & Kegan Paul.

[22] Schleiermacher, F. D. E. (1813). Über die verschiedenen Methoden des Übersetzens.

[23] World Health Organization’s (2004). International Statistical Classification of Diseases and Related Health Problems (10th ed.; ICD-10)


Nội dung: Phạm Thế Minh Đức

Hình ảnh: Nguyễn Bảo Huy

KLEPTOMANIA – HỘI CHỨNG ĂN CẮP VẶT

Giới thiệu tổng quan

Từ trước đến nay, xã hội luôn quan niệm “trộm cắp” là một hành vi phạm tội, thiếu đạo đức và đáng bị lên án. Tuy vậy, không phải hành vi trộm cắp nào cũng xuất phát từ ham muốn chiếm đoạt tài sản vì lợi ích cá nhân. Nghe thì có vẻ phi lý, nhưng nếu bạn đã từng biết đến hội chứng Kleptomania (tạm dịch: hội chứng Ăn cắp vặt) thì chắc hẳn bạn sẽ thấy rằng nhận định trên lại hoàn toàn có cơ sở. Đối với những người mắc phải hội chứng Kleptomania, họ không có khả năng kiểm soát được hành vi trộm cắp của bản thân và thường sẽ cảm thấy tội lỗi sau khi sự việc diễn ra. Bài viết sau có mục đích làm rõ và cung cấp thêm thông tin về hội chứng có vẻ kỳ lạ này.

Định nghĩa

Hội chứng Kleptomania là một dạng rối loạn kiểm soát xung năng (impulse-control disorder) – một rối loạn liên quan đến vấn đề trong việc tự kiểm soát cảm xúc hoặc hành vi của bản thân. Nếu bạn có rối loạn kiểm soát xung năng, bạn có thể gặp khó khăn trong việc kiềm chế hay cưỡng lại ham muốn hoặc thôi thúc mạnh mẽ để thực hiện hành vi vượt quá giới hạn và có thể gây hại cho bản thân và người khác. 

Hội chứng Kleptomania được xem như một rối loạn sức khỏe tâm thần biểu hiện thông qua việc không có khả năng cưỡng lại thôi thúc đánh cắp một vật gì đó mà bạn không thật sự cần hay hoàn toàn không có giá trị với bạn. Thông thường những vật dụng bị đánh cắp có giá trị thấp và bạn hoàn toàn có khả năng để chi trả. Hội chứng Kleptomania tương đối hiếm nhưng đó có thể là một bệnh lý khá nghiêm trọng. Nó có thể gây ra nỗi đau về mặt cảm xúc cho bản thân bạn và người thân của mình, thậm chí bạn có thể gặp phải những vấn đề pháp lý nếu không được điều trị.

Mức độ phổ biến

Đây là một hội chứng không phổ biến. Các chuyên gia ước lượng hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 0.3% đến 0.6% dân số ở Hoa Kỳ.  Hội chứng Kleptomania thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên nhưng cũng có thể có ở độ tuổi lớn hơn. Khoảng hai phần ba người có hội chứng này là nữ giới. (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition [DSM-5])

Tiêu chí chẩn đoán

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ năm (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition [DSM-5]), có 5 tiêu chí mà một người phải đáp ứng để có thể chẩn đoán được họ có mắc phải hội chứng Kleptomania hay không:

  1. Nỗ lực liên tiếp để không thực hiện hành trộm cắp nhưng bất thành. Những vật phẩm bị lấy trộm không phải do cá nhân đó cần dùng chúng để mua bán trao đổi vì tiền bạc.
  2. Cảm thấy căng thẳng trước khi thực hiện hành vi.
  3. Có những cảm xúc tích cực (như nhẹ nhõm hoặc hài lòng) hay cảm thấy lâng lâng ngay sau khi hành vi đó diễn ra.
  4. Hành động lấy trộm không phải là một phản ứng cảm giác (emotional response) (làm vì tức giận hay để trả thù) và không xảy ra do ảo tưởng (từ một niềm tin sai lệch) hay ảo giác.
  5. Gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như rối loạn cư xử (conduct disorder), hành vi hưng cảm hay rối loạn nhân cách chống đối xã hội không phải là một cách giải thích tốt cho hội chứng Kleptomania.

Biểu hiện/Triệu chứng

Hội chứng Kleptomania có thể bao gồm những biểu hiện sau:

  • Không có khả năng cưỡng lại thôi thúc hoặc ham muốn mạnh mẽ phải lấy trộm một món vật nào đó mà mình hoàn toàn không cần đến.
  • Cảm thấy sự căng thẳng gia tăng, sự lo âu hoặc kích thích dẫn đến hành vi lấy trộm.
  • Cảm thấy thỏa mãn, nhẹ nhõm khi thực hiện hành vi.
  • Cảm thấy vô cùng tội lỗi, hối hận hoặc tự ghê tởm bản thân sau khi hành vi đã được thực hiện.
  • Các thôi thúc quay trở lại và trở thành một vòng lặp của hội chứng.

Những người mắc phải hội chứng Kleptomania thường có những đặc điểm:

  • Không giống với những người trộm cắp thông thường khác, những người có hội chứng Kleptomania không trộm cắp vì: lợi ích cá nhân, từ một lời thách thức, để trả thù hay nổi loạn. Họ trộm cắp đơn gì là vì sự thôi thúc quá mạnh mẽ khiến họ không tài nào cưỡng lại được.
  • Các thôi thúc ấy thường xảy ra bất chợt, không được lên kế hoạch trước hay có người hỗ trợ như các vụ trộm cắp bạn hay được nghe đến.
  • Đa số những người có hội chứng này sẽ lấy trộm ở những địa điểm công cộng như các cửa hàng tạp hóa. Một số khác có thể trộm từ bạn bè hoặc người quen của họ.
  • Các vật phẩm bị lấy cắp thường không có giá trị đối với cá nhân người có hội chứng và họ có đủ điều kiện để chi trả cho món đồ đó.
  • Những đồ vật bị lấy trộm sẽ được cất đi và hầu như không bao giờ được họ sử dụng. Họ có thể sẽ mang những gì mình đã trộm được đi quyên góp, tặng lại cho gia đình hoặc bạn bè, hay thậm chí sẽ bí mật mang trả lại vị trí cũ – nơi mà họ đã đánh cắp ban đầu.
  • Sự thôi thúc phải lấy trộm có thể đến và đi hay xảy ra với cường độ lớn hơn hoặc nhỏ hơn theo thời gian.

(Kleptomania – Symptoms and Causes – Mayo Clinic, 2022)

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng Kleptomania vẫn chưa được hiểu rõ. Nhiều giả thuyết cho rằng sự thay đổi trong não bộ có thể là nguồn gốc của hội chứng và việc học cách lấy trộm đồ vật qua nhiều lần thực hiện càng làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ ràng hơn những nguyên nhân khả thi, nhưng hội chứng này có thể liên quan đến:

  • Những vấn đề với Serotonin – một loại hóa chất có tự nhiên trong não bộ: Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh, giúp điều chỉnh khí sắc và cảm xúc. Mức độ Serotonin thấp là dấu hiệu phổ biến ở những người dễ có hành vi bốc đồng do xung năng.
  • Rối loạn gây nghiện: Hành vi trộm cắp có thể làm sản sinh ra Dopamine – cũng là một loại chất dẫn truyền thần kinh. Dopamine gây ra các cảm giác dễ chịu, vì thế nên đa phần mọi người sẽ lặp đi lặp lại hành vi mang lại cảm giác “được khen thưởng” này.
  • Hệ Opioid trong não bộ: Các sự thôi thúc được quy định bởi hệ thống Opioid của não bộ. Sự mất cân bằng trong hệ thống này có thể gây ra sự khó khăn trong việc cưỡng lại các thôi thúc.
  • Thói quen học được: những thôi thúc gây ra sự khó chịu và việc đối phó với các thôi thúc này bằng hành vi trộm cắp có thể tạm thời làm giảm tình trạng căng thẳng và cảm thấy khuây khỏa hơn. Điều này sẽ tạo thành một thói quen mạnh mẽ và trở nên khó để phá vỡ.
  • Sự khác biệt trong cấu trúc não bộ: Những người có hội chứng Kleptomania thường có những sự khác biệt nhất định trong cấu trúc hình thành của bộ não, đặc biệt là ở những khu vực quản lý sự ức chế và kiểm soát xung năng. Những sự khác biệt đó có thể cho thấy các kết nối yếu hơn hoặc ít hơn ở các khu vực điều khiển ức chế của não bộ.
  • Sự khác biệt trong các chất hóa học trong não bộ: Bộ não của bạn sử dụng những hóa chất gọi là chất dẫn truyền thần kinh để giao tiếp và quản lý các quá trình nhất định. Có một số trường hợp được ghi nhận hình thành hội chứng Kleptomania sau khi bắt đầu sử dụng thuộc gây ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền trong não bộ. Tuy nhiên những trường hợp trên rất hiếm, việc có thêm nhiều nghiên cứu hơn là cần thiết để hiểu được lý do hình thành hội chứng.
  • Có thể là một triệu chứng đi kèm với các tình trạng sức khỏe tinh thần khác: Một số chuyên gia phân loại hội chứng Kleptomania vào nhóm triệu chứng chứ không phải là một tình trạng bệnh lý. Việc những người có các vấn đề sức khỏe tinh thần mắc phải hội chứng Kleptomania là cực kỳ phổ biến, đó có thể là lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, nghiện ngập và rối loạn sử dụng chất. Họ cũng có khả năng tự hại (self-harm) và tự sát cao hơn.
  • Vấn đề di truyền: Các chuyên gia không biết rằng liệu một người có thể thừa hưởng hội chứng Kleptomania hoặc tiền sử gia đình có làm gia tăng khả năng mắc phải hội chứng hay không. Mặc dù những người có hội chứng Kleptomania thường có tiền sử gia đình liên quan đến các tình trạng sức khỏe tâm thần như lo âu, rối loạn khí sắc và rối loạn sử dụng chất, vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào để khẳng định hội chứng này có tính di truyền.

(Kleptomania – Symptoms and Causes – Mayo Clinic, 2022; Kleptomania: What It Is, Causes, Symptoms & Treatment, n.d.)

Hệ quả

Nếu không được hỗ trợ điều trị, hội chứng Kleptomania có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về mặt cảm xúc, gia đình, công việc, pháp lý và tài chính. Ví dụ như bạn biết rõ việc trộm cắp là sai trái nhưng lại cảm thấy bất lực trong việc cưỡng lại xung năng. Kết quả là, bạn có thể cảm thấy tội lỗi, nhục nhã, tự ghê tởm chính mình. Và đương nhiên bạn không thể tránh khỏi khả năng bị bắt giữ. (Kleptomania – Symptoms and Causes – Mayo Clinic, 2022)

  • Có thể dẫn đến một số rối loạn kiểm soát xung năng khác như cờ bạc, mua sắm.
  • Lạm dụng chất kích thích và đồ uống có cồn
  • Rối loạn ăn uống
  • Trầm cảm
  • Rối loạn lo âu

Phương pháp điều trị

Hiện chưa có một phương cách phù hợp nào để điều trị hội chứng Kleptomania và các nghiên cứu để tìm cách điều trị hiệu quả vẫn còn đang hạn chế. Một phần là vì những cá nhân mắc phải hội chứng rất hiếm khi tự tìm kiếm sự hỗ trợ, làm cho quá trình nghiên cứu tìm hướng điều trị hợp lý trở nên khó khăn hơn.

Những phương pháp điều trị khả thi được chia thành hai loại chính sau:

  • Sử dụng thuốc: Chất đối kháng opioid (ngăn chặn tác dụng của thuốc opioid) là một trong những hướng điều trị được ưu tiên. Tính hiệu quả của nó đã được một số nghiên cứu chứng minh. Loại thuốc này cản trở cảm xúc tích cực mà một người cảm thấy khi thực hiện hành vi trộm cắp, điều này có thể giúp họ cưỡng lại thôi thúc thực hiện hành vi. Một số loại thuốc khác có thể khả thi như thuốc chống trầm cảm, chống động kinh hay Lithium.
  • Liệu pháp tâm lý: còn được gọi là trị liệu sức khỏe tâm thần hoặc trị liệu hành vi, cách này thường giúp cá nhân hiểu được tại sao họ lại thực hiện những hành vi nhất định và giúp họ tìm cách thay đổi hay tránh được những hành vi đó. Liệu pháp tâm lý dành cho hội chứng Kleptomania có thể có nhiều hình thức khác nhau như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp nhóm hoặc thậm chí là thôi miên.

(Kleptomania: What It Is, Causes, Symptoms & Treatment, n.d.)

Lời kết

Hội chứng Kleptomania không phải là một hội chứng mới được phát hiện gần đây, tuy vậy hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu được tiến hành để hiểu rõ hơn về nguyên nhân của nó để từ đó tìm ra cách điều trị phù hợp. Lý do có lẽ là vì đây là một hội chứng hiếm gặp và đồng thời những người gặp phải hội chứng này thường không chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ vì nhiều nguyên do khác nhau, phần lớn là vì e ngại sự đánh giá từ xã hội. 

Hội chứng Kleptomania có thể mang lại nhiều hệ quả tiêu cực đối với người mắc phải, đặc biệt là khi họ bị bắt giữ và đối mặt với hình phạt từ pháp luật. Cũng có nhiều trường hợp các cá nhân lợi dụng hội chứng này để né tránh hình phạt dù họ thật sự không mắc phải hội chứng. Chính vì thế mà cần có nhiều hơn những nghiên cứu về hội chứng này để có thể giúp đỡ những người đang sống chung với nó cũng như phân biệt các trường hợp trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng cách lợi dụng hội chứng Kleptomania.


Nguồn tham khảo

Kleptomania: What It Is, Causes, Symptoms & Treatment. (n.d.). Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9878-kleptomania

Kleptomania – Symptoms and causes – Mayo Clinic. (2022, September 30). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kleptomania/symptoms-causes/syc-20364732

American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders DSM-V (5th ed.).


Nội dung: Bùi Phạm Gia Hân

Hình ảnh: Phùng Đỗ Bảo Khánh