9 BƯỚC ĐỂ CHỮA LÀNH SANG CHẤN TUỔI THƠ Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH

Sang chấn tạo ra cảm xúc, và trừ khi chúng ta xử lý những cảm xúc này tại thời điểm sang chấn xảy ra, chúng sẽ bị mắc kẹt trong tâm trí và cơ thể của chúng ta. Thay vì chữa lành bản thân từ những sự kiện tổn thương, sang chấn vẫn tồn tại trong cơ thể chúng ta dưới dạng năng lượng trong vô thức, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người cho đến khi chúng ta phát hiện ra và xử lý nó. Việc để cho những cảm xúc được diễn ra và quá trình xử lý các cảm xúc khó chịu, chẳng hạn như tức giận, buồn bã, xấu hổ và sợ hãi, là điều cần thiết để chữa lành sang chấn thời thơ ấu khi trưởng thành.

Cách phản ứng với những sang chấn một cách lành mạnh nhất lại ít khi được người ta thực hiện nhất: khi sang chấn xảy ra, chúng ta nhìn nhận những tổn thương nó gây ra cho bản thân mình, cảm nhận những cảm xúc diễn ra tự nhiên, và sau đó nhận ra rằng những tổn thương đó không nói lên điều gì về bản thân mình – từ đây, chúng ta không gán những ý nghĩa tiêu cực cho sang chấn đó và có thể để nó qua đi.

Nhưng bởi vì những cảm xúc như tức giận và buồn bã lại gây đau đớn – và vì khóc hoặc đối diện với những cảm xúc tương tự khác thường không được xã hội chấp nhận – quá trình này đã không tự diễn ra. Thay vào đó, chúng ta kìm nén cảm xúc của mình hơn là cảm nhận và xử lý chúng. Khi còn nhỏ, quá trình này thậm chí còn khó khăn hơn. Những điều mà đối với người lớn chỉ nhỏ như việc bị kim chích mà họ ở tuổi 40 có thể dễ dàng phủ nhận chúng – bị miệt thị ngoại hình – có thể giống như một vết đâm đối với một đứa trẻ và tạo ra những tổn thương lâu dài (rối loạn cơ thể, trầm cảm, v.v.).

Sau đó, chúng ta mang theo những vết thương cảm xúc này khi trưởng thành, và chúng ảnh hưởng đến các mối quan hệ, sự nghiệp, hạnh phúc, sức khỏe của chúng ta,… mọi thứ. Nó sẽ diễn ra cho đến khi chúng ta xử lý chúng và chữa lành bằng cách ở lại với cảm nhận của chúng ta. 

Tại sao chúng ta không phải lúc nào cũng cảm nhận được cảm xúc của mình?

Ngay cả những bậc cha mẹ yêu thương và chu đáo nhất cũng có thể gây tổn thương lâu dài đến ý thức về bản thân của chúng ta. Họ có ý tốt và không muốn chứng kiến chúng ta bị tổn thương, cha mẹ của chúng ta có thể phản ứng ngay lập tức sau một tình huống khó chịu nào đó. “Đừng buồn nữa – không sao cả.” Người chăm sóc của chúng ta nói thế khi chúng ta bắt đầu khóc. Sự thật là, cảm giác tồi tệ lại có thể tốt cho chúng ta. Chúng ta cần trải qua cảm giác tồi tệ trong một thời gian và nghĩ về lý do tại sao chúng ta lại cảm thấy như vậy.

Hoặc có thể cha mẹ cũng không yêu thương và chu đáo với chúng ta, họ yêu cầu chúng ta ngừng khóc khi chúng ta cảm thấy bị tổn thương. Dù thế nào đi nữa, chúng ta đã không học được cách cảm nhận những cảm xúc của mình một cách hiệu quả. Chúng ta không học được rằng cảm xúc là nhất thời và thoáng qua, rằng những khởi đầu, diễn biến và kết thúc của chúng có thể được đoán trước và chúng ta sẽ vượt qua được. Khi chúng ta không học cách cảm nhận cảm xúc của mình, chúng ta có thể bắt đầu lý giải rằng mọi cảm xúc đều rất hãi hùng.

Khi còn nhỏ, chúng ta không thể tách biệt được cảm xúc của mình và “bản thân” của mình. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta là chính là cảm xúc mà ta có. Nếu cảm xúc của chúng ta không được chấp nhận trong một tình huống nhất định, chúng ta ấn định rằng bản thân mình cũng không được chấp nhận. 

Để chữa lành vết thương thời thơ ấu, chúng ta phải hoàn thành quá trình mà lẽ ra phải bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước đây, khi sự cố xảy ra. Tôi đã phát triển bài tập này dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm giúp bệnh nhân chữa lành sang chấn cảm xúc thời thơ ấu. Lần đầu tiên bạn thử bài tập này, tôi khuyên bạn nên bắt đầu với một sang chấn nhỏ. Khi tôi làm việc với thân chủ trong phòng làm việc riêng của mình, tôi thích bắt đầu từ những sang chấn nhỏ và tiến tới những sang chấn lớn hơn khi họ đã thành thạo những kỹ thuật và cảm thấy thoải mái với nó.

Quá trình chữa lành những tổn thương cảm xúc thoạt đầu có thể rất khó chịu, nhưng tôi cam đoan rằng nó sẽ là một cuộc hành trình rất bổ ích. Năng lượng hiện tại mà chúng ta dành cho sang chấn sẽ được giải phóng, và những khoảng trống từng bị sang chấn chiếm lấy có thể được lấp đầy bằng thứ năng lượng mới, tích cực hơn, giúp chúng ta kiến tạo một cuộc sống mà chúng ta khao khát. 

Hãy cùng CLB Sinh viên Tâm lý khám phá về 9 cách chữa lành sang chấn tuổi thơ ở người trưởng thành nhé!

1. Lắng nó xuống

Để quá trình này hoạt động, bạn phải hiện hữu trong cơ thể của bạn và ngay thời điểm hiện tại. Để bắt đầu, hãy tìm một nơi yên tĩnh để bạn không bị quấy rầy. Ngồi thoải mái, nhắm mắt và hít thở sâu vài lần để tập trung nhận thức vào cơ thể mình. Siết và thả lỏng các cơ, đồng thời cảm nhận sự nặng nề của cánh tay. Hãy để bản thân cảm thấy được kết nối với mặt đất phía dưới bạn. Tưởng tượng rằng một luồng năng lượng đang di chuyển từ xương cụt của bạn xuống đến tâm trái đất. Khi bạn cảm thấy bạn đã hoàn toàn làm chủ được cơ thể mình, hãy đến Bước 2. 

2. Hồi tưởng nó

Hãy nghĩ về một tình huống mà bạn cảm thấy khó chịu gần đây. Tìm thứ gì đó có thể kích hoạt cảm xúc của bạn từ mức độ nhẹ đến mạnh, hay bất cứ thứ gì miễn là bạn không bị tê liệt về cảm xúc. Nghĩ về những gì đã xảy ra càng chi tiết càng tốt, và tưởng tượng rằng bạn đang quay lại thời gian và địa điểm đó. Trải nghiệm tất cả một lần nữa bằng các giác quan của bạn. Khi cảm xúc bắt đầu nảy sinh, hãy chuyển sang Bước 3. 

3. Cảm nhận nó

Tiếp tục hít thở sâu và thư giãn trong yên tĩnh. Sau đó, “scan” cơ thể của bạn để phát hiện bất kỳ cảm giác nào xuất hiện. Tôi gọi quá trình này là “thẩm thấu” bởi cách mà cảm xúc của bạn sẽ khuấy động và bùng lên bên trong bạn. Quan sát bất kỳ phản ứng thể lý nào mà bạn trải qua – ngứa ran, căng tức, bỏng rát, v.v. Mỗi cảm giác này là một thông tin để bạn hiểu về trải nghiệm trong quá khứ của mình. Hãy khám phá những cảm giác này và tự miêu tả chúng một cách chi tiết nhất có thể. Khi bạn đã khám phá và mô tả được tất cả các phản ứng thể lý của mình, bạn có thể chuyển sang Bước 4.

4. Đặt tên cho nó

Liên kết mỗi cảm xúc với từng cảm giác mà bạn đang có. Bạn có lo lắng tức ngực không? Có phải hơi nóng bốc lên trên cánh tay của bạn biểu hiện cho sự tức giận không? Trước khi bắt đầu bài tập này, bạn có thể in ra danh sách các từ mô tả cảm xúc. Điều quan trọng là phải nhận ra được sự khác biệt nhỏ giữa những cảm xúc mà đôi lúc giống nhau. Điều này sẽ mang lại cho bạn cảm nhận tốt hơn về trải nghiệm của mình và hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân. Khi bạn đã gọi tên được cảm xúc của mình, hãy chuyển sang Bước 5.

5. Yêu lấy nó

Là một phần của phương pháp tiếp cận tâm trí để chữa lành sang chấn, chúng ta cần hoàn toàn chấp nhận mọi thứ mà chúng ta cảm nhận được. Cho dù điều đó có khớp với ý thức của bạn vào lúc này hay không, hãy nói: “Tôi yêu bản thân vì cảm giác (tức giận, buồn bã, lo lắng, v.v.).” Thực hiện điều này với mọi cảm xúc bạn cảm nhận được, đặc biệt là những cảm xúc khó khăn. Hãy ôm lấy bản thân mình, và yêu bản thân vì chính nó. Sau khi bạn đã chấp nhận được và yêu chính mình với từng cảm xúc ấy, bạn có thể chuyển sang Bước 6.

6. Hãy cảm nhận và trải nghiệm nó

Ở lại với cảm xúc và cảm giác của bạn, để những cảm xúc thẩm thấu và chảy trôi. Đừng cố gắng thay đổi hoặc giấu chúng đi; hãy quan sát chúng. Thừa nhận và hoan nghênh bất kỳ sự khó chịu nào bạn cảm thấy, ý thức rằng nó sẽ sớm biến mất và sẽ giúp bạn chữa lành. Hãy để cơ thể bạn phản ứng theo cách nó muốn hoặc cần. Nếu bạn cảm thấy muốn khóc, hãy khóc. Nếu bạn cảm thấy cần phải hét lên điều gì đó hoặc đấm một cái gì đó, bạn nên hét lên hoặc đấm vào không khí. Thể hiện cảm xúc của bạn – một cách hiệu quả – là chìa khóa để đưa chúng vào bên trong bạn và xử lý chúng một cách trọn vẹn. Khi bạn đã cảm nhận đủ và trải nghiệm được những cảm xúc của mình, hãy chuyển sang Bước 7.

7. Nhận những thông điệp và sự thông thái

Cảm giác hoặc cảm xúc bạn đang trải qua hiện tại có liên kết với một hoặc nhiều trải nghiệm trong quá khứ của bạn không? Chúng có cung cấp cho bạn bất kỳ cái nhìn sâu sắc nào về gốc rễ của tổn thương, hoặc một niềm tin tiêu cực, hoặc là một niềm tin sai lệch và cố định làm ngăn cản những quyết định của bạn không? Ngay bây giờ, bạn có thể đang nghĩ, “Tôi chả đạt được gì cả.” Hãy tự hỏi bản thân: “Nếu cảm giác hoặc cảm xúc có điều muốn nói với tôi, đó sẽ là gì?” Nếu bạn vẫn gặp khó khăn, hãy ngẫu hứng viết cái gì đó. Ghi xuống những dòng nhật ký về ý nghĩa của những gì bạn cảm nhận được trong 10 phút mà không dừng lại. Khi bạn nghĩ rằng bạn đã nghe thấy tất cả thông điệp mà cảm xúc của bạn đang truyền tải cho bạn, hãy chuyển sang Bước 8.

8. Chia sẻ nó

Nếu bạn cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những phản tư của mình với người khác, hãy làm điều đó. Nếu không, hãy tự viết về chúng. Mô tả những gì đã xảy ra khi sang chấn lần đầu xuất hiện, cách bạn phản ứng vào thời điểm đó và những gì bạn nhìn nhận về nó ngay bây giờ. Nói hoặc viết về trải nghiệm và cảm xúc của mình là một bước quan trọng trong việc chữa lành. Viết thư (nhưng không gửi chúng) cho những người đã làm tổn thương bạn có thể là một phương pháp rất hiệu quả để chuyển cảm xúc ra khỏi hệ thống tâm trí của mình. Khi bạn đã chia sẻ được những phản ánh của mình…

9. Hãy để nó đi

Hãy hình dung rằng những năng lượng mà sang chấn để lại trong bản thân bạn đang rời đi, hoặc thực hiện một “nghi lễ” giải phóng về thể lý, giống như (một cách an toàn) đốt một bức thư mà bạn biết cho người đã làm tổn thương bạn, hoặc chuyển di sang chấn của mình lên một vật gì đó rồi ném xuống biển. Bạn có thể mượn một nghi thức từ đạo Do Thái gọi là Tashlikh. Trong những ngày lễ xưng tội (period of repentance), nhiều người Do Thái dùng vụn bánh mì như biểu trưng của tội lỗi và trút xuống một dòng nước chảy trong tự nhiên. Ở đây, thay vì những tội lỗi, bạn có thể xoá bỏ những tổn thương cũng như những cảm xúc và cảm giác đi kèm với chúng.

Quá trình chữa lành những tổn thương cảm xúc thoạt đầu có thể rất khó chịu, nhưng tôi cam đoan rằng nó sẽ là một cuộc hành trình rất bổ ích. Năng lượng hiện tại mà chúng ta dành cho sang chấn sẽ được giải phóng, và những khoảng trống từng bị sang chấn chiếm lấy có thể được lấp đầy bằng thứ năng lượng mới, tích cực hơn, giúp chúng ta kiến tạo một cuộc sống mà chúng ta khao khát. 


Nguồn: 

Brandt, A. (2018, April 2). 9 Steps to Healing Childhood Trauma as an Adult. Psychology Today. 


Nội dung: Nguyễn Ngọc Minh

Hình ảnh: Nguyễn Trần Phương Nghi